PDA

View Full Version : Một cái lồn bé xé thành chuyện to



laongoandong
12-20-2014, 04:42 PM
Sờ Linda
Phạm Thị Hoài



Tôi thật ngại một cái lồn bé xé thành chuyện to, song tự nó đã lớn vọt lên trong vòng vài tháng vừa rồi.

Trong bài thơ Linda mặt ngang của Ðỗ Kh.[1] (http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=2378&rb=0505) chỉ có một từ, dùng hai lần, khiến quý vị phản ứng như thế nào đó. Từ lồn. Bỏ nó đi thì có lẽ phản ứng của quý vị sẽ thay đổi đáng kể. Từ ấy làm trào cái cốc quả nhiên đã đầy những lông cùng đít và nách và vú vê, quần lót mà Ðỗ Kh. thường rót, song không có nó thì xem ra một giới hạn vô hình nào đó ở miệng cốc vẫn còn tồn tại, một sợi dây mỏng manh nào đó giữ cho tâm hồn quý vị được bình an còn chưa bị chặt đứt. Ðã như vậy thì ta hãy cùng nhau làm một thử nghiệm: lấy một trang giấy khổ A4, tự tay viết kín, được khoảng 400-500 chữ lồn. Tôi dám đoán rằng viết xong thì từ này chẳng còn chút tục tĩu khiêu dâm gì, mà chỉ gây cảm giác chán ngấy cho quý vị mà thôi. Người Việt trước khi biết chuộng đồ Tàu, biết gọi cái ấy là âm hộ, hẳn vẫn xài từ của dân tộc một cách hồn nhiên. Có lẽ Hồ Quý Ly và Nguyễn Huệ, hai nhà khuyến nôm, đã dành nhiều khoảnh khắc trong quãng thời gian chấp chính ngắn ngủi của mình để trả những của quý của tiếng Việt về cho tiếng Việt. Ngay bây giờ, ở những vùng thôn quê Việt, nơi cái đầu kiêu hãnh của chúng ta vẫn là cái trốc, người ta đánh địt thay vì đánh rắm hay mần trung tiện, vợ chồng xưng mày tao chứ không anh em chàng nàng, thì lồn là lồn, không là gì khác. Người nơi ấy khác ta, họ sống trong một thế giới khác, nhưng hẳn là không xấu xa đê tiện hơn. Vậy thì, đúng phép hay không cũng vậy, quý vị hẳn đã tha tội cho từ lồn, nó vốn bình đẳng với mọi từ.

Ta hãy xem một ví dụ khác: khi một từ, vốn cũng sinh ra bình đẳng như thế, từ iả chẳng hạn, bỗng mất tự tin, đầu tiên do dự chuyển thành ị rồi thành í, rồi thành ấy, thì tiếng Việt cũng không thơm gì hơn. Nhưng có ly kỳ hơn. Ði iả thành đi ấy. Song đi ấy rất có thể là đi chợ, đi thủ tiêu ai đó, đi giao lưu, đi làm tình... Trăm bề ấy, nên lắm khi phải tìm cách nói khác. Ở thành phố mà nói đi đồng e không ổn. Ở nông thôn nói đi vê xê (WC) không xong, hơn nữa từ Việt cộng đọc tắt cũng có âm từa tựa như vậy. Nói đi toa lét có vẻ văn minh, nhưng gặp người ngọng thành toa nét nghe không lọt. Thế là mạnh ai nấy ấy, người đi đánh ruồi, người đi tìm sổ gạo[2] (http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=2378&rb=0505), người đi tháo cống người đi cầu tõm, người đi thả bom... Ði chơi với bạn gái ở Bờ Hồ mà nghe nàng thỏ thẻ, anh ơi, em phải đi tự tử một cái, thì không phải nàng định lao xuống hồ, mà nàng buộc phải đi ấy ở nhà vệ sinh công cộng. Nhiều từ khác cũng dễ tự mặc cảm như vậy, chối phắt nguồn gốc thật của mình, ỉm đi tên cúng cơm để mang danh xưng khác. Lắm trường hợp biến hóa không sao lường được, muốn tra ngược về bản gốc để xác định nghĩa cũng đành bó tay. Ðơn cử từ sinh hoạt trong sinh hoạt vợ chồng. Ðể tránh lầm với nghĩa họp chi bộ trong sinh hoạt Ðảng, phải giải mã là vợ chồng ngủ với nhau, tức ăn nằm với nhau, tức ân ái, tức làm tình, tức đ., tức đờ, tức đì, tức đếch, tức đéo, tức địt, tức đù, tức đụ nhau. Ngôn ngữ ẩn dụ thế là toàn thịnh. Sự vật và sự việc không còn được gọi đích danh nữa và lùi dần khỏi tầm với của ta, hoá thân thành một kiếp khác. Một lúc nào đó ta thậm chí không gọi đúng tên mọi bộ phận trên người mình nữa. Thế là xong một cuộc tha hoá.

Con tàu tiếng Việt như vậy có có toa hạng nhất, toa hạng bét. Khi lăn bánh vào lãnh địa cao quý của văn chương, phải cắt toa hạng bét đi chăng? Chắc quý vị nhiều phần tán thành. Văn học sử Việt Nam cho đến giờ phút này cũng triệt để ủng hộ quý vị. Nếu Ðỗ Kh. muốn nối toa đen, thì Ðỗ Kh. phải viết trọn một bộ văn học sử khác thay vào đó đã. Bằng không, khi nào quý khách hạng nhất muốn giải trí, bằng bài chửi của bà hàng xóm mất gà chẳng hạn, thì sẽ được nghe "ớ quý bà nào quý ông nào ăn trộm gà nhà tôi thì ra đây xin mời xơi bộ phận sinh dục của tôi đây này, ăn xong đằng mồm thì đại tiện luôn đằng mồm, ăn để mà khai tử thân phụ của quý vị hay ăn để mà ân ái thân mẫu của quý vị..."

Thế là đủ khôi hài để giải trí. Văn chương của chúng ta xem ra không phải chiếc ghế dài trong phòng trình tâm bệnh. Văn chương của chúng ta là hội hoá trang, cho những từ ngữ, những sự vật, sự việc và tất cả mọi thứ, tất cả những ai mặc cảm rằng mình xấu hãy đeo thật nhiều mặt nạ để đánh lận con đen. Ta chỉ còn biết cuộc rằng dưới lốt thỏi vàng rất có thể là một mẩu xúc xích, dưới đó nữa rất có thể là củ khoai, dưới đó nữa rất có thể là cục phân, dưói đó nữa rất có thể nguyên văn là cục cứt. Song đã là hội hoá trang thì ai đi tìm mặt thật làm gì. Chúng ta ưa hội hè. Hội hoá trang không có trong truyền thống lễ hội Việt thì lấy văn chương ra thay thế?

Nhưng một thế giới toàn lồn chóng chán thế nào thì toàn vàng cũng thế. Vậy thì, quý vị hẳn đã rộng lòng với sự hoán chuyển của những thói quen. Chẳng phải dân Việt chỉ trong vòng một thế kỷ này thôi đã bị ném ít nhất bốn năm lần từ một tổng thể thói quen này sang một tổng thể thói quen khác, lần nào cũng tốn kém cả triệu mạng sống và vò nát vài thế hệ, lần nào cũng như một cơn ác mộng khổng lồ hay sao? Chẳng phải chỉ qua một đêm mà cùng một sự vật vừa mới bị phỉ nhổ đấy hốt nhiên được bốc thơm hôn hít sao? Chẳng phải nhiều người trong chúng ta từng bị xua như hủi, bỗng trở về như tiên, rồi rất có thể lại bị đuổi như ma, lại trở về như thánh sống...? Không có gì trên mảnh đất mẹ của ngôn ngữ Việt thọ hơn ba tháng, vậy sao một cái lồn bé xíu phải chịu phận tục tĩu trọn đời? Không có gì nơi ấy còn một chút thiêng, vậy sao chính văn chương phải là giáo đường vĩnh cửu? Hay một tổng thể các thói quen dễ thay hơn một thói quen nhỏ? Hay đã không cưỡng được những điên đảo lớn thì tóm chặt những giá trị be bé để xoa dịu lòng?

Song đáng tiếc là mọi điều tôi vừa trình bày có thể lọt lý mà vẫn vướng tình, lý thì ngay mà tình lại gian vậy. Nỗi phân vân của quý vị là có thật. Trước Linda, người ghét đạo đức giả trong quý vị bỗng lên giọng dạy dỗ, người phóng khoáng chịu chơi thấy xấu hổ, người phong trần dạn dĩ yêu cầu một giải thích, người học vấn uyên bác cũng băn khăn hoài. Số người thật sự được thuyết phục đếm trên đầu ngón tay. Ðây là hoàn cảnh điển hình cho ta thốt lên câu thần chú "hãy chờ thời gian trả lời!", dù ta biết rõ rằng chính thời gian là kẻ hay nuốt lời hứa, hay quên trả lời nhất.

Tôi không cho rằng một cá nhân trong chúng ta có đủ thẩm quyền giải thích hiện tượng ấy. Như thể lý trí của chúng ta treo lơ lửng ở đầu này chiếc bập bênh, rất cao và rất vô dụng, còn toàn bộ những gì còn lại trong ta thì đè nặng ở đầu kia. Một chiếc bập bênh ma ám.

Hãy lấy một ví dụ về cơ cấu kiểm duyệt: Trong mỗi chúng ta có một tay cảnh sát, được ta đối xử hoàn toàn khác cảnh sát thật ăn lương ngoài đời. Câu "tôi tin ở mình" thực ra rất nên hiểu là "tôi tin ở gã cảnh sát trong tôi". Gã này đảm nhiệm mọi lãnh vực, là cục phản gián, là ủy ban an ninh quốc gia, là sở kiểm tục, là vụ đặc trách tội phạm nguy hiểm, là phòng an ninh kinh tế..., và không ngần ngại làm cả anh cớm quèn đi tuần nữa. Với một gã cảnh sát bên trong đắc lực như thế, chúng ta chẳng coi cảnh sát ăn lương ra gì là phải. Tôi xin đánh bạo mở rộng: chúng ta chê những nhà độc tài chuyên nghiệp, phải chăng cũng vì tên bạo chúa nghiệp dư trong ta đáng mặt hơn? Văn chương vẫn luôn là địa bàn đi tuần hấp dẫn của gã cớm trong ta. Ở đó không hiếm khi gã còng tay một ả điếm để được nổi hứng thủ dâm với hạnh kiểm đã lâu không căng cứng của mình. Thế thì chiếc bập bênh của chúng ta làm sao chuyển động được?

Có một gánh nặng khác cũng lại hùn về phe đã quá nặng của chiếc bập bênh ấy: gánh nặng của tình ruột thịt. Chúng ta trọng gia đình và ít sống độc thân nhất thế giới. Văn chương Việt có thể tự hào là được ruột thịt với người đọc Việt như vậy, tới mức hoà làm một: nếu văn ho thì người đọc uống thuốc ho, văn trằn trọc thì người đọc mất ngủ, văn gió mát trăng thanh thì người đọc lâng lâng êm ái, thật đồng điệu và đầy liên lụy. Cho nên chẳng có gì lạ, là chúng ta không có văn chương rùng rợn: trong nhà mà có ma thì gia đình ngay ngáy lo mời thày cúng. Ta đọc văn ma của Bồ Tùng Linh, văn quái của E.A.Poe, vì muốn thế nào họ cũng là người nước ngoài, là khách phương xa ghé chơi, bất quá cũng chỉ như cơn gió độc vào cửa trước ra cửa sau, không dây mơ rễ má gì, không ăn đời ở kiếp với ta. Giữa ta và cái văn ma văn quái ngoại quốc ấy có thể có một sự mê, nhưng khoảng cách an toàn giữa đôi bên lớn lắm, không gộp nhau vào làm một, không ràng buộc nhau, không sở hữu nhau. Khác máu tanh lòng là như vậy. Ta cũng không có văn chương tận thế, văn chương đống rác, văn chương tự tử, văn chương cởi truồng, văn chương điên, văn chương đâm chém, văn chương cứt đái, văn chương viễn tưởng, văn chương hải tặc, văn chương rừng rú... Tất cả những sản phẩm nghe đã phát khiếp này rủ nhau vào chiếm khá nhiều chỗ trong kho tàng văn học thế giới. Ðấy là điều ta không thông cảm được.

Nhưng thế giới có thể điên, mà quả nhiên là nó rất điên, còn gia đình Việt thì yên ổn. Hoang đàng, phá tán, nổi loạn, mất dạy, nếu có thì chưa kịp nhú đã được người đọc lấy tình cốt nhục mà răn đe. Nếu người đọc mạt sát một bài thơ hư, thì chẳng qua là cha mẹ chửi mắng cho con nên người tử tế. Ta có thể vặn ông hàng xóm: ông là cái gì mà lên giọng dạy tôi? Nhưng không thể vặn cha mẹ mình như vậy. Văn chương Việt là đứa con hiếu thảo, thường bị cha mẹ đánh đau mà không khóc, nhưng một hôm bị đánh nhẹ lại oà khóc nức nở: vì thấy cha mẹ thế là đã già yếu không còn đủ sức cầm roi. Văn là đời, hoặc có tham vọng không rời đời, cho nên ta thấm thía vì sao ngoài đời nồi da Việt thường dùng để nấu thịt Việt. Miệng thế gian đã nói rồi: càng thân càng dần cho đau. Yêu cho roi cho vọt. Chỉ tình yêu mới tự cho mình những quyền ghê gớm như thế. Chỉ tình máu mủ mới vượt lên mọi thứ đúng phép mà nhân danh. Song ta tự vả vào mặt bằng lòng bàn tay thì lại tự xoa bằng mu bàn tay. Tư cách người nhà khiến văn chương Việt bị người đọc Việt nọc ra đánh đòn thế nào thì cũng được xuề xoà chiếu cố và bênh chằm chặp như vậy.

Tình nghĩa của người đọc Việt xem ra đủ để giữ văn chương Việt trong vòng tay chặt của mình, dưới mái nhà bình yên của mình, không thèm thuồng gì những chân trời quái đản. Tình ấy là tình buộc, không phải tình cởi. Là tình đè, không phải tình thả bổng. Là tình tĩnh của cái gọi là tạng Việt đối lại thứ tình động của ngoại nhân. Cho nên văn chương nào bay ào ào như phi cơ, như tàu vũ trụ thì cứ bay và thỉnh thoảng cứ nổ tan tành, văn chương Việt cứ làm con trâu đen màu bùn đất ngoan hiền tận tụy, đã quen bị dắt mũi đóng cọc không màng được thả rông, đã kéo cái gánh nặng của gia đình của tình yêu từ bao đời không buồn ngóc dậy, để - như câu thơ của ai đó bị làng văn đạo mạo chê là dở hơi - làm một "con trâu trắng chầm chậm bay lên trời". May lắm thì Ðỗ Kh.có thể bị chê dở hơi.

Cho đến lúc này ta mới thử đi chưa hết một vòng quanh Linda. Muốn đi hết, chí ít phải vượt qua dấu hỏi lớn như chiếc thòng lọng treo ngược: thơ là gì, để đi đến cái kết luận, bài Linda mặt ngang của Ðỗ Kh. có phải là thơ không. Ai quả quyết đấy không phải thơ thì nhổ nước miếng rồi bỏ đi chỗ khác. Ta không thể coi cái công thức "thơ= cái đẹp", cũng như "ngôn ngữ thơ khác ngôn ngữ ngoài đời" là câu trả lời dùng được. Ðương nhiên nó đúng, cũng như bảo cá trong những món sushi là một nghệ thuật, là cá nhưng khác cá ngoài đời vậy. Song sushi cá không bắt buộc cho mọi thực đơn. Nghệ thuật ăn cá Hồ Tây ở Hà Nội năm 1996 là nhúng trước nửa đầu một con cá lớn vừa vớt dưới hồ, tuyệt không mổ ruột moi mang, vào chảo dầu thật nóng vài phút, thực khách vừa xơi phần thịt chín vừa thưởng ngoạn phần đuôi cá còn giãy đành đạch trên mâm. Nếu miếng thịt chín cuối cùng vừa vặn với cái giãy cuối cùng để kịp thời nhúng nốt khúc đuôi vào chảo thì bữa tiệc thành công. Sự cách điệu trong miếng cá Hồ Tây cho ta nhiều cảm xúc về người Hà Nội cuối thế kỷ hai mươi chẳng kém thông điệp của shusi cá về người Nhật.

Vậy thì, chiếc chìa khoá "thơ= cái Đẹp" chỉ có thể dùng được trong trường hợp duy nhất: hãy cho tôi biết quan niệm của bạn về cái Đẹp, tôi sẽ bảo bạn là người như thế nào. Lý tưởng thẩm mỹ chung toàn nhân loại đã chết, chậm nhất là cùng một lượt với Thượng Ðế. Ðấy là một trong những điều chẳng mới mẻ gì mà thỉnh thoảng cứ phải đem ra nhắc, vì ta thích quên nó đi hơn ta tưởng. Ðem văn chương nghệ thuật tựa vào một cái Ðẹp đại đồng thì đổ, như những quốc gia toàn trị đã sụp ngã trên giấc mơ hay là cơn ác mộng nhân loại đại đồng. Nếu nghệ thuật quả thật đồng nghĩa với cái Ðẹp thì đã từ lâu rồi nó thôi là một ngôi Nhà Chung cho mọi người cùng ra vào một cửa. Nỗi sợ mất định hướng là có thật, nhưng còn dễ chịu hơn bị định hướng nhiều lần.

Bây giờ đến lượt "ngôn ngữ thơ khác ngôn ngữ ngoài đời": công thức này chỉ dùng được nếu chúng ta chịu khó lật tiếp trang sau, để tránh kê toa thuốc nhân sâm cho con bệnh bị đau bụng: ở trang sau là hai chữ "tắc tử". Ta lại tự nhủ, rằng quan niệm về Khác chí ít cũng trở nên phức tạp không thua gì quan niệm về Ðẹp. Hai cái vú bề ngoài giống hệt nhau, nếu không được chua thêm là một cái thật, một cái bơm xi-li-côn, có thể đánh lộn sòng đối với đa số. Nghệ thuật quả nhiên sinh ra để khác với hiện thực. Song - tôi xin dẫn một nhận xét chí lí của Umberto Eco - nghệ thuật và tôn giáo là hai thứ dựa trên hư cấu mà lại vững tin mình là chân lý, trong khi khoa học dựa trên chất liệu thật thì luôn tự hoài nghi chất vấn mình. Nếu nghệ thuật là chỗ cho cái Khác cặp kè sống chết với cái Như Thật và Thật thì buông sõng một kết luận "ngôn ngữ thơ khác ngôn ngữ ngoài đời" chỉ là cách chạy nợ tạm bợ mà thôi. Nó lại càng không thể ngồi ghế chủ toạ chấm giải.

Bây giờ tôi xin phép vào thẳng với Linda mặt ngang xem sao.

Linda làm tôi xúc động ngay từ cái mặt ngang của nàng. Nếu nàng mất tích và Ðỗ Kh. đi trình cảnh sát thì sở cẩm nhất định sẽ vẽ khống được một chân dung, trông không giống vợ ta ở nhà. Có những thi sĩ tả tỉ mỉ từ ngoài vào trong: mắt em môi em tóc em, màu áo em, mùi hương em, nhịp đập không đều của trái tim em, chiếc bớt nhỏ nơi đùi non bên trái cách thiên đường không xa... Ðỗ Kh. không cần nhiều lời như vậy. Rồi tiếp tục dè sẻn, tác giả tiết lộ rằng Linda mặc quần lót rộng. Ðồ lót tự chúng là cả một thế giới hiện thực. Hiện thực đó nhảy vào văn chương như mọi hiện thực, không ai cấm được. Song có những tác giả khuân chúng vào tác phẩm như rao hàng cho hãng đồ lót, lại có những tác giả sơ ý bỏ quên trang này một chiếc xú chiêng, trang kia một chiếc xì líp, như người nội trợ không cẩn trọng mà thôi. Tác giả loại nào thì vào độc giả loại ấy. Chiếc quần lót rộng được nhắc tới một lần duy nhất hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của Ðỗ Kh. Nó đã từ bỏ nhiệm vụ chính là làm quần lót. Nó hiện diện để cho chúng ta một cảm xúc, một thông tin, vâng, một thông điệp, nếu ai nghiện dùng chữ này. Cái rộng của chiếc quần lót ấy làm tôi chạnh lòng nhớ tới những chiếc xì líp tự may bằng vải pha ni lông rẻ mạt khi tôi mới lớn ở miền Bắc, muốn mặc kiểu gì thì quần và cái ở trong quần cũng lệch pha nhau. Khiến tôi thấy rõ mồn một trước mắt những phụ nữ bán thuốc lá ở Hồ Thiền Quang, cứ thỉnh thoảng lại theo một khách xích lô lùi vào sau gốc cây lớn làm một "quả tàu nhanh", và mắt vẫn canh chừng mẹt thuốc. Quần lót của họ phải là thứ hàng rộng. Quần ngoài của họ cũng rộng và không được phép khoá móc lỉnh kỉnh. Phụ nữ nông thôn Việt không đời nào chi tiền của nửa tạ thóc cho một chiếc quần lót thật là mi ni thật là ôm khít của hãng Đức Triumph đang khải hoàn ở Sài Gòn, Hà Nội. Vả lại, ở nông thôn Việt, đàn bà vẫn vén quần đái chứ không tụt quần. Thế phải dùng hàng rộng. Quần lót, trong câu thơ của Ðỗ Kh., không dùng để mặc, để bán, để sưu tầm, để ngửi, để tặng nhau..., mà để cho ai muốn biết thêm một chút về con người được biết. Song tôi cũng thừa nhận rằng, đối với những bộ lạc chỉ đóng khố một kiểu, thì câu thơ kia chẳng thanh chẳng tục, mà vô nghĩa.

Bây giờ tôi thử khảo sát loạt hình ảnh xung quanh cái được gọi là bộ phận sinh dục nữ trong bài. Ta biết rằng tiếng Việt rất gợi cảm, song không được rành mạch cho lắm. Những gì quen thuộc mà trực giác nắm bắt được ngay thì phân biệt cụ thể, chính xác, thậm chí tỉ mỉ khủng khiếp. Thử trình độ một người ngoại quốc học tiếng Việt, chỉ cần yêu cầu người đó đóng bộ rồi lại thay ra là biết: mặc áo, khoác áo, choàng áo, đóng áo, diện áo, lên áo, cởi áo..., thay áo chứ không tháo áo; quàng khăn, đeo khăn, vắt khăn, thắt khăn..., không thể mặc khăn; xỏ giày, đi giày, sục giày, thậm chí chui vào giày, chứ mang giày đã là tây hoá; đeo ba lô chứ ngoại lệ mới cõng ba lô, nhưng cõng con, địu con chứ đeo con thì hỏng... Cũng như vậy, ta không cởi mà bóc chuối, không rửa tóc mà gội đầu, không giặt gạo mà vo gạo, ta đóng nắp mà đậy vung, ta khoét, đào, moi, chọc lỗ chứ không tạo ra một cái lỗ...Song tiếng Việt lại tỏ ra xuề xoà dễ tính đến cẩu thả ở khu vực ngược lại: với những gì trừu tượng hoặc khuất mắt. Ðỗ Kh. đã không lầm lẫn khi sử dụng ba từ khác nhau: lồn, cửa mình, âm đạo. Quả thật muốn tả chính xác kích thước của bộ phận này, phải nhờ một chút ở từ âm đạo. Nếu cố, có thể dịch nôm là khe lồn. Song từ khe cũng không may mắn lắm, không cho ta hình dung chính xác về cái đạo dẫn sâu vào bên trong mà mắt thường không đo lường được. Không như bộ phận sinh dục của đàn ông, có thế nào thì bày ra thế ấy, ở đàn bà nó đòi phải đi sâu tìm hiểu hơn. Nếu tác giả cố tình tục sao không bê luôn lồn hoặc khe lồn vào đây, mà lại dùng âm đạo? Vì âm đạo là chuẩn nhất. Cái lý của âm đạo ở đây cũng như cái lý của chữ lồn thứ nhất và chữ lồn thứ hai, và chen vào là một cái cửa mình, tôi sẽ trình bày ở đoạn sau. Song cũng như chiếc quần lót ở trên, nhiệm vụ của âm đạo ở đây là cho ta một thông điệp. Một trong những câu hỏi hành hạ văn chương cổ kim là: lấy cái gì để nói về cái gì? Người tài có thể lấy một cái lông chân để dựng nên thiên hạ trong tác phẩm. Người tầm thường dùng cả nắm lông cũng không ra ngoài một cái lông. Ở đây, cái chật của âm đạo Linda, cũng như cái rộng của chiếc quần lót bên trên chứa đựng nhiều thông tin, về Linda, về tác giả, về cõi đời này, và nếu người đọc bắt gặp mình đang trôi vào những liên tưởng nào đó, thì nó hàm chứa cả thông tin về bản thân người đọc nữa. Tôi chẳng hạn, bất giác nhớ lại mẩu đối thoại với một người bạn nổi tiếng trăng hoa. Tôi khuyên một anh bạn nên cẩn thận, Việt Nam cũng đang là ổ aids. Anh đáp rằng: "Ối dào, lồn chúng nó rộng như quảng trường, cọ vào đâu được mà sợ!". Anh không dùng từ âm đạo, song cái mệnh đề sau, với động từ cọ, đã cho biết rằng anh đang nói về cái rộng ở bên trong. Vì sao Linda chật? Ở động đĩ Batàm mà chật, mà không biết làm mát xa, không biết hôn, không bú, không cho liếm, mà dễ nhột ở những chỗ lẽ ra đã chai lỳ, mà 17 tuổi, mà chẳng buồn nhớ nhà, mà ngồi trang trọng ngày quốc tế lao động!

Tất cả những phác họa rất cô đọng ấy là kết quả không phải chỉ của khiếu quan sát và tái hiện, mà còn là của một rung động vừa ngọt ngào vừa chua xót ở nhân vật xưng tôi, trong đó phần ngọt ngào dịu dàng dần nhường hẳn chỗ cho xót xa bất lực và một thoáng giễu cợt giận dữ. Ðỗ Kh. hẳn là không lạ gì sự sáo của những gò bồng đảo với trái tuyết lê. Những thứ này có mặt như để nhắc ta về một thế giới khác mà ta đã biết và đã chán ngấy. Tôi thấy tác giả như chòng chành giữa những thế giới, những hiện thực khác nhau, những cách gọi tên khác nhau. Chữ lồn thứ nhất buột ra một cách bản năng, như thể đặt chân vào khung cảnh Batàm ấy người ta bất giác dùng từ ấy. Nhưng nó như chẳng nỡ, nó không tự chắc nên thử cậy vào bầy khái niệm sáo rỗng đã biết. Song Linda như thế, Batàm như thế, thì trút nốt sự dịu dàng cuối cùng vào một bàn tay đẹp che lấy cửa mình nhan sắc, để rồi hạ chữ lồn thứ hai thật đàng hoàng và đầy trách nhiệm ở câu kết. Sẽ là phản bội Linda, nếu gọi cái công cụ lao động đó của nàng là cái âm hộ.

Nếu có chút gì tôi không ưng lắm trong bài thơ của Ðỗ Kh. thì đấy là hai câu về sự không nứng nổi, như mưa mềm của nhân vật xưng tôi. Theo cảm nhận của tôi, hai câu ấy có lẽ không cần thiết. Nó nhấn mạnh một lần nữa rằng, toàn bộ khung cảnh này tác động tới hắn, khách chơi động đĩ, nhân vật xưng tôi, có thể là tác giả, như thế nào. Có thể thật lắm. Song cái thật ấy không trình bày ra thì còn chỗ cho những cái thật không kém khác, chẳng hạn người khách ghé Batàm ấy bỗng bạo dâm thay vì không nứng nổi, bỗng trút nỗi xót xa vào việc dần tan nát Linda, để nàng thành một con điếm như mọi con điếm khác, ít ra để mà sống còn ở Batàm... Con người phức tạp vô tận, ai cũng biết thế, nào ai lường được mình trong những tình huống khác thường. Có thể cái gu riêng của tôi không ưa một tí mùi mẫn nào nên cố chẻ hai câu ấy ra tìm chút cải lương chăng? Vậy mà, lẽ ra Ðỗ Kh. phải viết hai chục câu như thế, bày tỏ thống thiết hơn nữa tình cảm của mình, chứ đừng xa xôi, đừng kiềm chế như vậy. Phải hét to lên, cỡ: "Ðau đớn thay phận đàn bà!", thì sẽ không ai bảo đó là thơ bậy.

Ðỗ Kh. đưa người đọc đi Nam Dương mà khước từ nhiều bổn phận hướng dẫn du lịch. Đã mang lấy nghiệp cầm bút mà không ngộ ra rằng, trong con voi lớn là văn chương Việt, chữ Tài chỉ là cái đuôi đi sau chót. Sờ voi không ai sờ đuôi. Thì sờ Linda không sờ gì?

Berlin, 7.1997